Khách hàng khóc dở mếu dở khi cây xăng không nhận chuyển khoản
Một ngày cuối tháng 4, như mọi ngày chị Nguyễn Thu Huyền (Tòa A1, Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội) lao ra đường đi làm trong cái nắng gay gắt. Nhưng chỉ sau 10 phút chị nhận cái “kết đắng” khi rẽ vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Mỹ Đình, thuộc công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thương mại và dịch vụ Trường Thịnh (Số 1 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Cây xăng ở số 1 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Phán ánh tới Báo Giao thông, chị Huyền cho biết, chị gặp phải tình cảnh trớ trêu khi xăng đã đổ đầy bình nhưng nhân viên bán hàng nhất quyết không nhận chuyển khoản mà chỉ nhận tiền mặt. Trong khi đó, chị Huyền lại không mang theo tiền mặt vì đã quen thanh toán online với hầu hết các sản phẩm, dịch vụ.
Vừa bất ngờ, vừa bức xúc khi giữa trưa nắng phải “cầu cứu” những vị khách hàng khác bằng cách trao đổi tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của họ. Tất nhiên điều này, theo chị không vị khách nào hài lòng vì không muốn phiền hà.
Chị Huyền cho rằng việc không nhận chuyển khoản là rất vô lý khi thói quen tiêu dùng này được nhà nước khuyến khích, thúc đẩy và dần được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực thời gian qua.
Ngày 25/4, trong vai người mua hàng, PV Báo Giao thông ghi nhận, tại cây xăng này, các trụ bơm, cửa hàng đều dán biển “xe máy không nhận chuyển khoản”.
Khi được hỏi về nguyên nhân, các nhân viên đều tỏ ra khó chịu và trả lời qua loa “cây xăng đông khách nên không nhận chuyển khoản”.
Một số cây xăng khác trên địa bàn Hà Nội cũng có tình trạng này. Như là, cửa hàng xăng dầu 682 ở Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm (thuộc Tổng công ty dầu Việt Nam – PVOil). Hay trạm xăng dầu số 1, tại 259 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa (thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội)…
Động thái bất ngờ này của các cây xăng khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát – doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Lâm Đồng lý giải, khoảng cách giữa các cây xăng thường khá xa – hàng km, nên dù có biết trước cây xăng không nhận chuyển khoản thì nhiều người vẫn không có lựa chọn khác.
Có bất thường?
Nhận định về việc “không nhận chuyển khoản” khi mua xăng, ông Thắng đặt ra 2 giả thiết.
Một là cây xăng lo ngại việc làm báo cáo phức tạp. Bởi mỗi lần chuyển khoản vào tài khoản công ty, thì kế toán sẽ phải lập bảng theo dõi tài khoản tiền đến để phục vụ kiểm toán và công tác sổ sách sau này. Nếu mỗi ngày, hàng trăm người chuyển vào tài khoản với mức giá trị vài chục nghìn thì việc bỏ nhiều nguồn lực, công sức cho giá trị trên là “không đáng”.
Đây là vấn đề khiến một số cây xăng dùng tài khoản cá nhân của chủ công ty, hoặc của quản lý để nhận tiền về, thay vì tài khoản công ty. Thế nhưng, ông Thắng cũng lo ngại khi cây xăng có lượng khách đông, nếu chuyển khoản nhiều, việc nghẽn mạng sẽ khiến cho tiền đến trễ, khi đó sẽ xảy ra tình huống khách phải chờ đợi hoặc chủ tài khoản mất tiền không biết tìm ai đòi…
Tuy nhận định việc này chỉ là rủi ro nhưng ông Thắng cho rằng, đó là điểm khác nhau giữa mua bó rau ngoài chợ và mua xăng. “Nếu mua hàng hóa thì có tiền về sẽ nhận hàng, nhưng với xăng thì khi tiền không về sẽ phải mất công hút xăng ra và mỗi công đoạn sẽ khiến khách hàng khác chờ đợi và gây ùn tắc”, ông Thắng lập luận.
Cây xăng tại 259 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa.
Vì thế, theo ông Thắng để dễ dàng thanh toán không tiền mặt tại cây xăng thì đòi hỏi ngân hàng phải nâng cấp giao dịch liên ngân hàng, nhằm giảm việc nghẽn mạng.
Song, ông Thắng cũng không khỏi đặt ra giả thiết khác là có sự “bất thường”. Theo ông, việc nộp thuế đã được siết bởi quy định xuất hóa đơn điện tử từng lần bán xăng. Tuy nhiên, nếu cửa hàng đó bán nguồn xăng dầu trôi nổi (trốn thuế) thì chính lượng chuyển khoản sẽ lộ ra lượng xăng dầu chênh lệch. Đây cũng là hành vi trốn thuế.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Đà Nẵng cho hay, dù quy định luật pháp không yêu cầu phải chuyển khoản khi mua xăng, tuy nhiên, cửa hàng xăng dầu không nhận tiền chuyển khoản là không đúng quy định của Luật Thuế, nếu cơ quan chức kiểm tra, phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính.
Còn đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam bày tỏ, hiện chưa có quy định nào buộc cây xăng phải nhận chuyển khoản hay phải nhận tiền mặt khi khách hàng thanh toán. Tuy nhiên, doanh nghiệp xăng dầu lo ngại, nếu sử dụng mã QR của nhân viên bán hàng để khách hàng chuyển khoản sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp, vì tiền của doanh nghiệp chuyển vào tài khoản cá nhân.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.