Nhiều địa phương khó giải phóng mặt bằng làm nhà ở xã hội
Phát triển nhà ở xã hội là việc làm cấp thiết, song nhiều địa phương đang gặp khó trong khâu giải phóng mặt bằng.
Giá đền bù thấp, người dân thiếu đồng thuận
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, tỉnh triển khai được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích đất khoảng 173ha. Khi các dự án này hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong số 54 dự án trên có 28 dự án vướng mắc.
Đáng lưu ý, 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định (theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13) với mục tiêu xây dựng nhà ở cho người lao động, công nhân, người thu nhập thấp làm việc trong khu công nghiệp tại hai huyện, thị xã Yên Phong và thị xã Thuận Thành. Tuy nhiên, hai dự án này gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, số lượng căn hộ nhà ở xã hội bán được là rất ít.
Bên cạnh đó, 9 dự án gặp khó khăn trong việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, 3 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng song vẫn còn một số hộ dân không nhận tiền đền bù; 6 dự án đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đã có quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng đến nay đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng và đang gặp khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tương tự tại Bắc Giang, năm qua, Bắc Giang hoàn thành 2 dự án với tổng số 2.411 căn hộ; còn lại 12 dự án đang triển khai thực hiện. Trong đó, 4 dự án đã được cấp phép xây dựng và đang thi công xây dựng, 8 dự án còn lại đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về giao đất, cho thuê đất, môi trường, phòng cháy, xây dựng). Tổng số căn hộ dự kiến hình thành của 14 dự án đạt khoảng 28.000 căn hộ.
Tuy nhiên, trong số 12 dự án đang triển khai chỉ có 1 dự án là khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh (nay là phường Nếnh, thị xã Việt Yên) được chủ đầu tư tích cực thực hiện, dự kiến hoàn thành bàn giao. Các dự án còn lại đều chậm tiến độ, có dự án rất chậm, phải gia hạn nhiều lần.
Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cũng cho biết đến thời điểm quý I/2024, UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, có 2 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Một số dự án nhà ở xã hội khác đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư.
Song, Hà Nam cũng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Sở Xây dựng Hà Nam cho hay người dân có đất trong phạm vi dự án không nhận tiền bồi thường, đòi mức giá bồi thường cao hơn quy định, một số dự án gặp khó khăn trong công tác di chuyển mộ… Nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn gặp khó khăn về nguồn vốn, nên tiến độ thực hiện các dự án bị chậm so với được duyệt.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nam, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý như điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án, quy định về xác định quỹ đất 20% để phát triển dự án nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, tính tiền sử dụng đất…
Yêu cầu các dự án đã có đất triển khai xây dựng
Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều địa phương, Bộ xây dựng cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô hơn 411.000 căn hộ. Hiện nay, đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.
Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội, đến năm 2030 các địa phương phấn đấu hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung quyết liệt giải quyết. Nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại đề án, trong đó, có một số địa phương vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.
Để gỡ vướng trong phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, bổ sung dự án và nghiên cứu phương án, hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu để mở rộng đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội. Đồng thời, rà soát các dự án chậm tiến độ, đánh giá năng lực, sự quyết tâm của chủ đầu tư để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu kỹ tất cả các tình huống gia hạn hợp đồng cho các chủ đầu tư theo hướng có lợi nhất cho chủ đầu tư và đề xuất việc có hay không việc doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ khi gia hạn hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang yêu cầu các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về môi trường, phòng cháy, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp phép xây dựng hoàn thành trong tháng 6/2024 và thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành được số lượng căn hộ thuộc dự án trong quý IV/2024.
Với các dự án thực hiện đầu tư trên quỹ đất sạch nhưng chưa được giao đất cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện tham mưu giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xong trước ngày 30/4/2024…
Đối với dự án chưa có mặt bằng, Sở Xây dựng sẽ kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Nam Việt -