Đồng thuận cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế
Tất cả ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng nay (15/3), đều bày tỏ đồng thuận cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn.
Không chỉ giảm tai nạn giao thông mà còn ngăn ngừa bệnh nguy hiểm
Sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.
Liên quan đến quy định cấm nồng độ cồn, tất cả ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều bày tỏ đồng tình việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, qua thời gian thực hiện, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang hình thành văn hóa đã uống rượu bia thì không lái xe. Đồng thời, đã làm giảm các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia gây ra.
Bà Thanh cũng dẫn lại các số liệu cho thấy việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đã giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, người bị chết, bị thương do sử dụng rượu bia.
Bên cạnh đó, việc cấm này cũng từng bước giảm thiểu tác hại trực tiếp của rượu bia với khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm, gián tiếp với 150 căn bệnh khác.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 cũng đã rất khó khăn khi quy định cấm nồng độ cồn với tài xế trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia năm 2019.
Bà Thúy Anh cho biết, khi đưa ra lấy ý kiến ở Quốc hội khóa 14 về nội dung cấm nồng độ cồn trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì lúc đầu cả 2 phương án đều không đạt 50%.
Sau đó, với giải trình rất thuyết phục của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó, thì Quốc hội đã đồng ý thông qua Luật, và quy định cấm nồng độ cồn với tài xế đã nhận được sự đồng tình của 74% tổng số đại biểu Quốc hội.
Do đó, bà Thúy Anh lựa chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế để kế thừa Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
“Xin nói thêm Luật Phòng, chống tác hại rượu bia nhưng đưa thêm quy định có vẻ là đối tượng của Luật Giao thông đường bộ để hạn chế tác hại của rượu bia đã được gần 3/4 đại biểu Quốc hội khóa 14 đồng ý và thực tế đã phát huy rất tốt.
Vì vậy không có cớ gì chúng ta trao đổi, thảo luận điều chỉnh về ATGT lại bỏ quy định rất hữu hiệu ở Luật Phòng, chống tác hại rượu bia”, bà Thúy Anh nêu.
Cần làm rõ các lập luận, cơ sở khoa học việc cấm
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế.
Tuy nhiên, ông đề nghị báo cáo giải trình tiếp thu trình ra Quốc hội cần làm rõ thêm các lập luận về quy định này. Cụ thể làm rõ những cơ sở khoa học quy định nội dung này.
Ông nói đây là vấn đề nhiều ý kiến băn khoăn nên phải làm rõ. Thêm vào đó, vấn đề liên quan nồng độ cồn nội sinh cũng được mạng xã hội nói nhiều, nên cần có lý giải mang tính thuyết phục để lập luận cho phương án cấm. Cùng với đó, kinh nghiệm quốc tế cần được nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên nêu 2 loại ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu trình Quốc hội, mà có thể nói đa số ý kiến đồng tình với loại ý kiến cấm tuyệt đối nồng độ cồn với các lý do và có một số ý kiến khác. Việc này để Quốc hội có thể thảo luận, đưa ra ý kiến.
“Còn việc thực hiện như hiện nay đã từng bước hình thành văn hóa rất tốt, hạn chế tác hại rất lớn do rượu bia gây ra”, ông Tùng nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đang quy định cấm và thực tiễn áp dụng đang dần dần hình thành bước đầu văn hóa giao thông không uống rượu bia. Do đó, bà đồng tình với phương án cấm.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục làm rõ các ưu điểm, hạn chế của đề xuất 2 phương án quy định nồng độ cồn.
Tuy nhiên, theo ông Phương, trong thảo luận hôm nay, 100% ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án cấm nồng độ cồn.
Thậm chí còn đề nghị trong báo cáo tiếp thu, giải trình gửi Quốc hội cần nói đa số đồng ý với phương án cấm, kế thừa Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bảo đảm tính khoa học, kinh nghiệm quốc tế…
Từ đó, cần thiết kế báo cáo giải trình tiếp thu khoa học, cụ thể các căn cứ, thực tế vững chắc.
Phùng Đô