Trẻ có nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm do thời tiết bất thường
Thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa trải qua những ngày sương mù dày đặc, nhất là vào sáng sớm, kèm theo hiện tượng nồm ẩm.
Thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa trải qua những ngày sương mù dày đặc, nhất là vào sáng sớm, kèm theo hiện tượng nồm ẩm. Bên cạnh đó, khu vực này đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Những yếu tố này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Hiện tượng sương mù thường xảy ra hằng năm vào mùa Đông, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, khu vực miền núi. Đây là hiện tượng tự nhiên, do độ ẩm không khí tạo thành. Chính do độ ẩm tăng cao khiến các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn.
Không dừng lại tại đó, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hiện tượng El Nino khắc nghiệt hiện nay, càng làm tăng tính nghiêm trọng của bệnh lý tai mũi họng ở trẻ em. Trong các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của trẻ em trên thế giới.
Những ngày gần đây, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai luôn trong tình trạng chật kín bệnh nhân điều trị. Theo chia sẻ của các bác sĩ, có ngày cao điểm, đơn vị này ghi nhận tới 40 ca nhập viện, tăng gấp đôi so với thường lệ.
Tương tự, trong số hơn 100 trẻ đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), phần lớn mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, cúm, sốt virus… Không ít trường hợp phải thở oxy.
Bác sĩ Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, có những trường hợp trẻ được đưa vào bệnh viện cấp cứu do thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở oxy. Trước đó, những bệnh nhi này chỉ có biểu hiện ho hắng. Đến khi thấy con bỏ bú, thở gắng sức, thở nhanh, thì bố mẹ mới cho vào viện. Khi đó, oxy đã không bảo đảm nên phải hỗ trợ oxy cho trẻ.
Theo các chuyên gia, thời điểm giao mùa, thời tiết có sự thay đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.
Ngoài ra, thời điểm này, trẻ còn dễ mắc các dịch bệnh khác như tay – chân – miệng, cúm, viêm phổi, các bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, thủy đậu…
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, giai đoạn mùa Đông Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Do đó, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát. Cụ thể, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch; giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Kim Dung