Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Truyền thông tất cả thành viên sáng lập không giúp mang lại tính công bằng, hay hiệu quả

Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam cho rằng, các dự án startup thường chỉ nên có một người tỏa sáng. Việc làm nổi bật hay truyền thông tất cả thành viên sáng lập không giúp mang lại tính công bằng, hay hiệu quả mà chỉ khiến khó ghi nhớ, tốn kém nguồn lực và đánh mất nhiều cơ hội tập trung vào một cá nhân tỏa sáng.

Khác với những bài thuyết trình truyền thống, Chuyên gia Kinh tế và chia sẻ về Khởi nghiệp, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam chỉ ra cấu trúc hoàn chỉnh của một bài gọi vốn (Pitch Deck) thường bao gồm: Vấn đề; Giải pháp; Quy mô/Tiềm năng thị trường; Đối thủ/Bối cảnh cạnh tranh; Sản phẩm; Lộ trình Kinh doanh; Thành tựu; Đội ngũ; Số vốn cần gọi; Kế hoạch thoái vốn... Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng không có chuẩn nào là hoàn hảo cho phần Pitch Deck.

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Truyền thông tất cả thành viên sáng lập không giúp mang lại tính công bằng, hay hiệu quả
Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam trong một chương trình chia sẻ về Khởi nghiệp tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn.

Không có thứ tự trình bày, ưu tiên thế mạnh dự án

Trong một chương trình chia sẻ về khởi nghiệp cho sinh viên, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến cấu trúc của một bài gọi vốn. Theo ông Nam: “Không nhất thiết phải máy móc liệt kê thứ tự của từng phần trong slide gọi vốn. Tùy theo dự án của bạn có điểm sáng nào, hãy đưa yếu tố đó lên đầu. Ví dụ bản thân tôi thường đưa slide thành tựu lên trước, sau đó mới đến vấn đề, giải pháp,… vì thành tựu của doanh nghiệp tôi khá ấn tượng so với thời gian thành lập. Nhưng có những dự án rất nổi tiếng về mặt Founder (đội ngũ sáng lập), các bạn có thể đưa phần này lên để tạo sự ghi nhớ và tin tưởng”.

Bên cạnh đó, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tính liên kết giữa các phần trong Pitch Deck. Ông Nam cho rằng bài thuyết trình gọi vốn có cấu trúc rất chặt chẽ giữa các phần với nhau, phải làm sao cho người nghe hiểu được theo mạch dẫn: Tại sao bạn lại bắt đầu dự án? Điều gì chưa có trên thị trường mà bạn có thể làm tốt hơn, khiến bạn chấp nhận bỏ lỡ chi phí cơ hội của mình để đầu tư vào đó? Vậy thị trường liệu có đủ lớn cho bạn phát triển hay không? Bạn tự tin chiếm lĩnh bao nhiêu phần trăm thị phần hiện tại (SOM), có thể phục vụ được bao nhiêu dung lượng thị trường trong tương lai (SAM) và tổng độ lớn thị trường là bao nhiêu (TAM)? Với thị trường đó thì bạn đang ở đâu so với các đối thủ? Vậy bạn cần có lộ trình kinh doanh ra sao? Làm sao chúng tôi tin rằng bạn làm được tốt lộ trình đó, đội ngũ dẫn dắt dự án là ai? Đã đạt được thành tựu gì rồi? Nếu mọi thứ tốt đẹp như vậy thì các bạn cần bao nhiêu vốn, phân bổ vào những hạng mục nào và kế hoạch thoái vốn ra sao?.

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng lưu ý, nếu đổi thứ tự các phần trong Pitch Deck thì cần đảm bảo mạch dẫn dắt người nghe tương tự, tránh tách rời từng phần và cần phân biệt rõ giữa Pitch Deck trong khởi nghiệp với bản kế hoạch kinh doanh (Business Plan).

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Truyền thông tất cả thành viên sáng lập không giúp mang lại tính công bằng, hay hiệu quả
Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam là khách mời thường xuyên chia sẻ về Khởi nghiệp tại Đài VOH

Teamwork thì được, nhưng “thuyết trình nhóm” thì không

Khả năng tập trung, chú ý của con người là vô cùng giới hạn, chưa kể trong thời gian rất ngắn. Chính vì vậy mà chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam cho rằng, trong 5-10 phút gọi vốn (Pitching) chỉ nên có một người thuyết trình, những người còn lại có thể hỗ trợ về mặt chuyên môn khi được đặt câu hỏi. Phần Pitching phải đảm bảo mang tính cảm xúc, truyền cảm hứng và sự “mê hoặc”. Vì vậy nếu không được luyện tập kỹ lưỡng, nhiều người cùng trình bày có thể làm mất hiệu ứng trên do liên tục bị ngắt nhịp và thay đổi tông giọng. “Teamwork là điều không cần thiết lúc này”, ông Nam nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng chỉ ra rằng có một số trường hợp đặc biệt, hoặc có sự chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng sẽ giúp việc thuyết trình nhóm thành công, thường phù hợp với các sản phẩm mang tính gia dụng hoặc vợ chồng cùng gọi vốn.

Ngoài ra, ông Nam cũng lưu ý, các dự án startup thường chỉ nên có một người tỏa sáng. Việc làm nổi bật hay truyền thông tất cả thành viên sáng lập không giúp mang lại tính công bằng, hay hiệu quả mà chỉ khiến khó ghi nhớ, tốn kém nguồn lực và đánh mất nhiều cơ hội tập trung vào một cá nhân tỏa sáng. Ông Nam dẫn chứng: “Ai cũng biết Bill Gates là người sáng lập Microsoft, nhưng nhắc đến Paul Allen thì gần như nhiều người còn xa lạ. Điều này không chỉ điển hình trên thế giới, mà ngay tại Việt Nam cũng tương tự. Có lẽ nhiều người biết đến tỷ phú Thảo của VietJet, nhưng lại ít ai biết tới doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng”. Dường như đây cũng là quy luật “ngầm hiểu” của giới startup khi có đại diện xuất hiện trước truyền thông.

Tâm huyết, nhưng phải có EQ

Các nhà sáng lập thường rất tâm huyết với dự án của mình. Vì vậy mà họ có thể chia sẻ thao thao bất tuyệt suốt nhiều giờ không chán. Tuy nhiên, theo ông Nam, các dự án nên chắt chiu và chọn lọc nội dung cần thiết để chia sẻ trong 5-10 phút gọi vốn. “Ví dụ khi đề cập đến đội ngũ sáng lập, chỉ nên tập trung vào 3 yếu tố chính trong hồ sơ (profile) các nhà sáng lập là: Chuyên môn liên quan đến giá trị cốt lõi của sản phẩm (yếu tố công nghệ, bằng sáng chế, giáo trình,…); Kỹ năng bán hàng và Kỹ năng quản lý tài chính, gọi vốn. Những kinh nghiệm khác không phù hợp không nhất thiết phải đưa vào quá nhiều, gây xao nhãng. Quan trọng nhất là EQ và hiểu người nghe muốn gì.”, ông Nam chỉ dẫn.

Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam là chuyên gia Kinh tế và chia sẻ về Khởi nghiệp, hiện đang là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGROUP, Nhà sáng lập Học viện Kỹ năng VTALK. Với vai trò là chuyên gia thường xuyên chia sẻ về Khởi nghiệp trên VOH, HTV9, BPTV,… và tại các trường đại học hàng đầu như Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Luật TPHCM, Đại học Kinh tế,… ông Mai Nguyễn Hoàng Nam có nhiều góc nhìn sâu sắc cùng kinh nghiệm thực tế về kinh doanh, khởi nghiệp.

Quốc Trọng

Bạn cũng có thể thích